Qua các khảo sát và kết quả xếp hạng PCI được VCCI công bố cho thấy, môi trường kinh doanh và xếp hạng PCI của Quảng Trị những năm qua mặc dù có những chuyển biến rõ rệt nhưng chưa ổn định, nhiều tiêu chí còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. So với cả nước thì tổng điểm và xếp hạng PCI của Quảng Trị qua các năm cụ thể như sau: Năm 2010 đạt 61,61 điểm, đứng thứ 16, nằm trong nhóm “Tốt”; năm 2011 đạt 63,08 điểm, đứng thứ 13, nằm trong nhóm “Tốt”; năm 2012 đạt 55,91 điểm, đứng thứ 37, nằm trong nhóm “Khá”; năm 2013 đạt 53,13 điểm, đứng thứ 58, nằm trong nhóm “Thấp”; năm 2014 đạt 55,07 điểm, đứng thứ 53, nằm trong nhóm “Tương đối thấp”; năm 2015 đạt 57,32 điểm, đứng thứ 43, nằm trong nhóm “Khá”. So với các tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung, điểm số thứ hạng PCI Quảng Trị năm 2010 từ vị trí thứ 2 thì đến năm 2015 đã “tụt hạng” xuống vị trí thứ 9; đặc biệt trong 2 năm 2013 và 2014 “đội bảng” xếp hạng với vị trí thứ 12/12. Đặc biệt, Quảng Trị có mức điểm chênh lệch bình quân so với địa phương đứng vị trí đầu bảng xếp hạng của cả nước (và đương nhiên đứng vị trí đầu bảng xếp hạng của khu vực duyên hải miền Trung) là 9,23 điểm; nhưng mức điểm chênh lệch bình quân so với địa phương đứng vị trí cuối bảng xếp hạng của khu vực là 3,51 điểm và so với địa phương đứng vị trí cuối bảng xếp hạng của cả nước là 8,81 điểm. Qua đó có thể thấy, với khoảng cách không an toàn này đặt trong xu thế cạnh tranh khốc liệt nhằm nâng hạng chỉ số PCI giữa các địa phương thì nguy cơ tụt hạng của PCI Quảng Trị là rất hiện hữu, dễ dàng xảy ra nếu tỉnh không có những quyết sách phù hợp, kịp thời.
Trong các chỉ số thành phần cấu thành PCI, Quảng Trị có 1 chỉ số thành phần có mức điểm cao hơn mức điểm bình quân cả nước là chi phí gia nhập thị trường (năm 2010 xếp thứ 1/63 và năm 2014 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố); 2 chỉ số thành phần ngang bằng với mức điểm bình quân cả nước là tiếp cận đất đai và đào tạo lao động; 3 chỉ số thành phần tương đối thấp so với mức điểm bình quân cả nước là chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý; trong đó chỉ số thiết chế pháp lý có nguy cơ ngày càng tụt hạng cao (liên tục trong 3 năm 2013-2015 đều xếp trên mức thứ hạng 50/63 tỉnh, thành); 4 chỉ số thành phần có mức điểm thấp hơn mức trung bình của cả nước là tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng; trong đó đáng lưu ý là có mức điểm thấp hơn nhiều so với mức điểm bình quân của cả nước, khả năng cải thiện là rất khó, trong số điểm thấp làm ảnh hưởng đến tổng điểm của tỉnh là chi phí không chính thức từ vị trí trung bình thấp của cả nước nhưng trong 2 năm 2014-2015 đều xếp thứ 59/63 tỉnh, thành và tính minh bạch (liên tục trong các năm đều xếp thứ 11/12 tỉnh, thành khu vực miền Trung).
Nhận thức và đánh giá đúng đắn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phân tích cụ thể các chỉ số thành phần đặt trong từng hệ quy chiếu khác nhau để có nhận định chính xác đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu, đâu là thách thức, đâu là cơ hội của từng yếu tố cấu thành và đặc biệt đâu là nguyên nhân của những kết quả đó; so sánh có tính định lượng với các tỉnh có chỉ số thành phần cao nhất và thấp nhất; “điểm sáng” nào nên tiếp tục duy trì và phát triển; “điểm mờ” nào cần phải tập trung khắc phục, cải thiện; nhóm chỉ số nào phải đặt ở mức báo động cao để có biện pháp xử lý kịp thời; tham khảo, học tập những chính sách, giải pháp mà các tỉnh, thành phố khác đã thực hiện có hiệu quả nhằm cải thiện các chỉ số thành phần có tính tương đồng với thực tiễn của tỉnh Quảng Trị… là những bài toán, bước đi quyết định đến sự cải thiện và nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị hết sức quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đưa lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp huy động nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng cao. Đặc biệt tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các nội dung cụ thể theo từng chỉ số thành phần để có mục tiêu, định hướng, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện. Rõ ràng về mặt chỉ đạo là hết sức quyết liệt cụ thể, chi tiết và không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Nhưng trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến kết quả thực hiện chưa đạt như yêu cầu đề ra.
Tác giả bài viết: Nguyễn Lan Hương - Phòng Tổng hợp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn